Hội chứng cai rượu

Nghiện rượu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của bản thân gia đình và các mối quan hệ xã hội. Đối với những người nghiện rượu, việc cai rượu hoặc bỏ rượu cũng gặp những khó khăn do bệnh nhân phải đối mặt với hội chứng cai nghiện rượu với những diễn biến khó lường. Hãy cùng tìm hiểu hội chứng cai rượu qua bài viết này

Hội chứng cai rượu

Nghiện rượu gây rất nhiều hệ lụy cho bản thân người gia đình và xã hội. Những người nghiện rượu nếu đột ngột bỏ rượu hoặc ngừng uống rượu sẽ thường gặp một loạt các thay đổi trong cơ thể, nhiều khi có thể nguy hiểm tới tính mạng. Hội chứng xuất hiện sau khi người bệnh đột ngột bỏ rượu gọi là hội chứng cai rượu (Alcohol Withdrawal Syndrome – AWS).

Hội chứng cai rượu (hội chứng ngưng rượu) xuất hiện ở những người đã nghiện rượu, nhưng vì lý do nào đó đã ngừng uống đột ngột hoặc giảm đáng kể lượng rượu nạp vào hằng ngày.

Những lý do khiến cho người nghiện rượu phải ngừng uống rượu như:

Bệnh nhân mắc các bệnh nội khoa: Các bệnh nội khoa như nhiễm trùng, cao huyết áp, loét dạ dày, bệnh tá tràng, viêm gan, xơ gan, viêm cầu thận mạn….chiếm đến 75% lý do bệnh nhân phải ngừng uống rượu.

Một số bệnh nội khoa khác: Bao gồm các chấn thương, đau ruột thừa, viêm tụy cấp…chiếm 20% trường hợp cai rượu.

Bệnh nhân tự nguyện cai rượu: Chỉ chiếm 5% số trường hợp cai rượu.

Biểu hiện và Chẩn đoán Hội chứng cai rượu

Người nghiện rượu hay lạm dụng rượu quá mức khi cai rượu đột ngột trong vòng một ngày sẽ có nhiều biểu hiện như dưới đây:

Họ sẽ cảm thấy thèm rượu mãnh liệt. Cảm giác ngày thì người cai rượu nào cũng trải qua. Cơn thèm rượu đến mức chi phối họ hoàn toàn. Trong mọi suy nghĩ và hành động của họ chỉ tập trung vào việc làm sao để có rượu nạp vào cơ thể. 

Người cai nghiện rượu đột ngột sẽ cảm thấy run tay chân. Biểu hiện này thường xuất hiện chỉ sau 2-3 tiếng ngừng uống rượu. Lúc này bệnh nhân khó giữ được thăng bằng, đi đứng loạng choạng khó khăn. 

Bệnh nhân sẽ cảm thấy lo lắng quá mức. Biểu hiện này có thể xuất hiện vào ngày thứ hai sau khi cai rượu. Lúc này bệnh nhân dễ lo lắng hoang tưởng và thường sợ điều xấu sẽ đến với họ. Lúc này bệnh nhân không còn tỉnh táo, dễ lú lẫn. Vào buổi tối thì tình trạng bệnh nhân lú lẫn sẽ tăng lên. 

Bệnh nhân sẽ có cảm giác chán ăn không muốn ăn gì và sẽ nôn, buồn nôn. Bệnh nhân có thể nôn hết thức ăn hoặc nôn khan. 

Dấu hiệu nhịp tim nhanh, huyết áp cao, vã mồ hôi cũng xảy ra. Mạch của bệnh nhân nhanh trên 100 lần/phút, huyết áp nhảy vọt có thể lên tới 200mmHg và tăng giảm bất thường. Lúc này bệnh nhân có thân nhiệt tăng cao, có thể lên tới 39 độ C do mất nước, mất điện giải, run cơ. Đây là những triệu chứng thể hiện rõ nhất sau 24-36 giờ ngưng rượu. Tuy nhiên, những biểu hiện này chỉ là tạm thời và có thể biến mất sau 48 giờ. 

Một trong những triệu chứng rất hay gặp trong khi cai rượu là mất ngủ. Ngay từ tối đầu tiên cai rượu, bệnh nhân có thể có giấc ngủ chập chờn, ngủ nông và dễ gặp ác mộng, dễ thức dậy và cảm thấy mệt mỏi uể oải kéo dài. Tình trạng mất ngủ này không giảm đi mà lại kéo dài và càng khó ngủ hơn khi vào ngày thứ 3 và 5 sau cai rượu. Thậm chí bệnh nhân có thể bị mất ngủ hoàn toàn. 

Bệnh nhân cai nghiện rượu cần được theo dõi và xử lý vì các cơn co giật diễn biến bất ngờ và nguy hiểm. Các cơn co giật kiểu động kinh thường xuất hiện trong vòng 6-48 giờ ở bệnh nhân sau khi cai nghiện rượu. 

Tỷ lệ tử vong vì sảng rượu từ 1-2%. Sảng rượu được xem là một trong những cấp cứu về mặt tâm thần, nếu không được can thiệp sớm có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân có thể gặp những biến chứng tim mạch, chuyển hóa hoặc bị nhiễm trùng.

Tỷ lệ bệnh nhân bị hoang tưởng và ảo giác khá cao chiếm 85% bệnh nhân. Bệnh nhân cai rượu sẽ gặp ảo giác, hoang tưởng, ảo thanh và nội dung cũng phong phú như bị hãm hại, nhìn thấy ma quỷ, ghen tuông,…

Bệnh nhân dễ bị kích động tâm thần vận động. Bệnh nhân có thể có những biểu hiện như chửi bới, đập phá đồ đạc, la hét, đánh vợ con,… mục đích để có thể tiếp cận lại rượu. 

Điều trị Hội chứng cai rượu

Dù trong bất cứ trường hợp nào, khi đã có hội chứng cai sau khi giảm hoặc dừng uống rượu đều chứng tỏ bệnh nhân đã nghiện rượu một thời gian rất dài hay nói khác đi, bệnh nhân đã bị “ngộ độc rượu mạn tính” và các cơ quan trong cơ thể đã bị tổn thương nặng nề do rượu. Vì vậy, việc điều trị hội chứng cai rượu sẽ đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. 

Benzodiazepin

Để điều trị hội chứng cai nghiện rượu, bác sĩ sẽ lựa chọn Benzodiazepin vì hiệu quả chống co giật, thời gian chuyển hóa kéo dài, an toàn hơn so với Chlormethiazole. Benzodiazepin sẽ tác động lên hệ thống dẫn truyền thần kinh giúp phòng và ngăn ngừa các biến chứng. Một số thuốc khác có thể dùng như Chlordiazepoxide Diazepam và Lorazepam. Tùy theo diễn tiến bác sĩ sẽ có phác đồ liều cao hoặc giảm dần liều sử dụng. Liều cao từ 20mg Diazepam trong 1-2 giờ để bệnh nhân an thần, sau đó dừng thuốc vì hiệu quả của thuốc sẽ giảm từ từ theo chuyển hóa. Với liều giảm dần từ 5-10mg Diazepam cho mỗi 4-6 giờ trong vòng 3 ngày đầu, sau đó tiếp tục giảm liều trong những ngày tiếp theo (khoảng 1 tuần).

Phenytoin

Đối với Phenytoin không thấy có hiệu quả nổi bật hơn trong phòng chống các cơn co giật, nhưng lại có tác dụng làm giảm thiểu các cơn co giật liên tục hoặc co giật cục bộ. Phenytoin được áp dụng cho những bệnh nhân chấn thương sọ não hoặc có tiền sử bị động kinh. Trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu tổn thương gan do rượu thì cần chế độ theo dõi đặc biệt hơn. Cần kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng hôn mê gan (não gan) nên sẽ được chỉ định dùng Oxazepam hoặc Lorazepam không có quá trình oxy hóa tại gan. Đối với những bệnh nhân không thể uống được có thể dùng tiêm bắp loại Lorazepam. 

Điều trị rối loạn điện giải

Thông thường những bệnh nhân cai rượu bị hội chứng cai nghiện rượu có thể dẫn tới rối loạn điện giải, đặc biệt là trong giai đoạn sảng rượu. Bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ chỉ số điện giải hằng ngày vì có thể mất 4-5 lít dịch/ngày. Chế độ ăn uống đủ nước và chất dinh dưỡng, bổ sung các yếu tố vi lượng và vitamin cho cơ thể là điều cần thiết đối với bệnh nhân. 

Các câu hỏi liên quan

Câu hỏi 1: Định nghĩa thế nào là nghiện rượu?

Trả lời: Theo Tổ chức Y tế thế giới (1993): Nghiện rượu là nhu cầu thèm muốn đòi hỏi thường xuyên đồ uống có cồn, hình thành thói quen, rối loạn nhân cách, giảm khả năng lao động và ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Câu hỏi 2: Hội chứng cai rượu là gì?

Trả lời: Hội chứng cai rượu là tập hợp các triệu chứng có thể xảy ra khi giảm sử dụng rượu sau một thời gian tiêu thụ quá mức. Các triệu chứng điển hình bao gồm lo lắng, run rẩy, đổ mồ hôi, nôn mửa, nhịp tim nhanh và sốt nhẹ. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn gồm co giật, ảo giác, và mê sảng run (DTs). Các triệu chứng thường bắt đầu sáu giờ sau lần uống cuối cùng, tồi tệ nhất từ 24 đến 72 giờ và cải thiện sau bảy ngày.

Câu hỏi 3: Làm thế nào để dự phòng hội chứng cai rượu?

Trả lời: Việc dự phòng hội chứng cai rượu tập trung vào việc bỏ rượu chủ động với số lượng ít dần và có phối hợp với sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh – tâm thần – chống độc. Ở người nghiện rượu, nên chú ý phòng chống các yếu tố nguy cơ như đã mô tả ở trên và khi xuất hiện các biểu hiện của hội chứng cai nên khẩn trương đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và xử trí kịp thời.

Câu hỏi 4: Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại là gì?

Trả lời: Rượu bia là chất hướng thần với đặc tính gây ra sự lệ thuộc. Rượu bia được sử dụng rộng rãi ở rất nhiều nền văn hóa qua nhiều thế kỷ. Sử dụng rượu bia ở mức nguy hại gây ra nhiều bệnh tật, là gánh nặng lớn về kinh tế và xã hội.

Câu hỏi 5: Uống bia ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu (rượu mạnh/rượu vang) có đúng không

Trả lời: Không đúng. Tác hại đối với sức khỏe chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra, vì vậy tác hại do rượu bia không phụ thuộc vào loại đồ uống (là bia hay rượu) mà phụ thuộc vào lượng uống (tiêu thụ bao nhiêu gam cồn) và cách thức uống (tần suất sử dụng hay uống ở mức nguy hại)

Câu hỏi 6: Hậu quả của nghiện rượu là gì?

Trả lời: Nghiện rượu gây ra nhiều hệ lụy với xã hội bao gồm gánh nặng cho hệ thống y tế, ảnh hưởng tới nền kinh tế do người lao động mất khả năng lao động, nghỉ hưu sớm. Bên cạnh đó, nghiện rượu còn có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, tội phạm và tỷ lệ ly hôn cao…

Câu hỏi 7: Điều gì sẽ xảy ra nếu sử dụng lượng lớn rượu trong thời gian dài?

Trả lời: Rượu là đồ uống có chứa cồn, nếu sử dụng với lượng lớn, trong thời gian dài có thể gây xơ gan, giãn tĩnh mạch thực quản, chảy máu dạ dày, viêm tuyến tụy, động kinh, ung thư thực quản, viêm cơ tim, viêm cơ, giảm đề kháng… gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh viêm phổi và lao, các bệnh thần kinh và rối loạn chức năng não như hội chứng Korsakoff…

Câu hỏi 8: Làm thế nào để cai nghiện rượu?

Trả lời: Phương pháp điều trị cai nghiện rượu hiệu quả duy nhất là từ bỏ rượu hoặc chất uống có cồn một cách triệt để nhất. Phương pháp điều trị tâm lý đóng vai trò vô cùng quan trọng chỉ khi người nghiện rượu chấp nhận điều trị mới có thể giúp họ thoát khỏi “ma men”. Bệnh nhân cần nói chuyện với chuyên gia, bác sĩ về tình trạng của bệnh nhân để bác sĩ đánh giá, tìm ra biện pháp phù hợp như chương trình cai nghiện dài hạn, tư vấn gia đình, trị liệu nhóm, tổ chức Alcoholics Anonymous, và điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó thuốc hỗ trợ giúp bệnh nhân giảm bớt các triệu chứng của hội chứng cai nghiện rượu.

Câu hỏi 9: Các loại thực phẩm hỗ trợ người đang cai nghiện rượu 

Trả lời: Nên ăn trái cây có múi như cam, quýt, bưởi… Vitamin C trong những loại trái cây này sẽ giúp người bệnh tăng cường hệ thống miễn dịch ở một mức độ nào đó và giúp cơ thể phục hồi dễ dàng hơn. Chế độ ăn ít chất béo như cá trắng, cá nạc, ức gà… sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi cho những người đang cai nghiện rượu.  

Trong vài ngày đầu điều trị, người bệnh có thể chán ăn nhưng khi giai đoạn này qua đi, cảm giác thèm ăn trở lại khiến họ ăn nhiều hơn. Khi giai đoạn thèm ăn kết thúc, chế độ ăn giàu protein nên được áp dụng cho người cai nghiện rượu với mục đích kiểm soát cơn đói và thúc đẩy quá trình phục hồi.

Liên hệ tư vấn hỗ trợ cai nghiện rượu bia

Nhà thuốc 354

  • Địa chỉ:  Số 18 Tam Trinh P. Mai Động Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • Hotline:  0869065492 (zalo)0869191080 (zalo)
  • Website: Nhathuoc354.com
  • Email:     Nhathuoc354@gmail.com
5/5 - (1 bình chọn)