Phòng ngừa, điều trị bệnh ung thư phổi
Ung thư phổi được xem là một trong những “hung thần” đáng gờm nhất trong các bệnh ung thư, với tỷ lệ tử vong cao và diễn biến phức tạp. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 1,8 triệu ca tử vong do ung thư phổi, chiếm gần 20% số ca tử vong vì ung thư. Đáng lo ngại hơn, nguyên nhân chính gây ra bệnh chủ yếu đến từ những yếu tố nguy cơ mà con người hoàn toàn có thể kiểm soát được. Vậy phòng ngừa, điều trị bệnh ung thư phổi như thế nào?
Phòng ngừa bệnh ung thư phổi
Làm chủ những yếu tố nguy cơ
Không hút thuốc lá và tránh khói thuốc là biện pháp hàng đầu để phòng ngừa ung thư phổi. Các chuyên gia ước tính khoảng 80-90% ca ung thư phổi liên quan trực tiếp đến thuốc lá. Hơn nữa, ngay cả khi bạn không hút thuốc nhưng sống trong môi trường có khói thuốc lâu dài, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ngoài ra, việc tiếp xúc lâu dài với các chất phóng xạ, hóa chất công nghiệp, khí radon và không khí bị ô nhiễm nặng cũng là những nguyên nhân hàng đầu làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Chính vì vậy, cần có biện pháp bảo hộ nghiêm ngặt khi làm việc với các chất độc hại này và tránh các khu vực ô nhiễm không khí.
Duy trì lối sống lành mạnh
Thực hiện lối sống lành mạnh là chìa khóa quan trọng để phòng ngừa ung thư phổi và nhiều bệnh ung thư khác. Khẩu phần ăn giàu rau xanh, trái cây tươi, đạm và vitamin sẽ tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Đồng thời, thường xuyên tập thể dục để duy trì cân nặng hợp lý và thúc đẩy quá trình trao đổi chất khỏe mạnh.
Không chỉ vậy, những người có lối sống lành mạnh thường ít tiếp xúc với các chất gây nghiện và căng thẳng – những yếu tố làm tăng đáng kể nguy cơ mắc ung thư. Đón nhận cuộc sống khỏe mạnh bằng việc duy trì lối sống lành mạnh
Quan sát và đi khám để phát hiện sớm
Biểu hiện sớm của ung thư phổi thường khá mơ hồ, bao gồm: ho khò khè kéo dài, khó thở, đau ngực, chảy máu khi ho… Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác khiến bệnh nhân bỏ qua. Chính vì thế, nếu bạn gặp phải bất cứ dấu hiệu bất thường nào kéo dài trong vài tuần, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ lưỡng.
Giảm lượng khí radon trong nhà
Radon là một loại khí phóng xạ nguy hiểm, được sản sinh từ quá trình uranium phân hủy trong đất và đá. Khí radon không màu, không mùi, có thể thấm vào đất và rò rỉ vào nguồn nước, không khí. Ở những khu vực có lượng khí radon cao thường tỷ lệ thuận với số ca mắc ung thư phổi. Trường hợp những bệnh nhân mặc dù chưa từng hút thuốc lá nhưng có tiếp xúc với khí radon cũng có thể phát triển căn bệnh ung thư phổi. Vì vậy, tránh hít phải khí radon cũng là cách để phòng tránh căn bệnh này. Để hạn chế khí radon ở môi trường sống và làm việc, bạn có thể áp dụng những biện pháp như sau:
Lắp đặt các loại máy làm sạch không khí;
Lưu trữ nước trong bể riêng để sử dụng
Lắp hệ thống thông gió trong phòng ở
Xử lý các vết nứt trên tường hoặc trên sàn nhà
Không nên ở quá lâu trong tầng hầm.
Theo dõi những triệu chứng cảnh báo ung thư phổi
Đau tức ngực
Khó thở, thở khò khè
Ho lâu ngày không khỏi, có thể bị ho ra máu
Thường xuyên mệt mỏi; Sụt cân không rõ nguyên nhân
Biểu hiện khác: sưng hạch bạch huyết, viêm phổi tái phát nhiều lần,..
Đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh như người hút thuốc lá lâu năm, người làm việc tiếp xúc với chất phóng xạ, khí độc hại…, việc tầm soát ung thư phổi định kỳ qua chụp X-quang, CT scan là vô cùng quan trọng để phát hiện bệnh sớm, đồng thời điều trị kịp thời, cứu sống bệnh nhân. Đừng chủ quan với sức khỏe của chính mình!
Phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi
Để điều trị ung thư phổi cần dựa vào thể trạng bệnh nhân, loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh. Điều trị ung thư phổi là phác đồ đa mô thức gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất. Có thể điều trị đơn thuần một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp với nhau.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt căn, đặc biệt là với những trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn sớm. Nguyên nhân là bởi khi đó khối u còn nhỏ, chưa di căn, sức khỏe bệnh nhân chưa bị ảnh hưởng nhiều nên đáp ứng điều trị khá tốt. Phương pháp phẫu thuật thường được tiến hành để loại bỏ hoàn toàn thùy phổi chứa khối u và nạo vét hạch.
Xạ trị
Khi xét đến ung thư phổi và cách điều trị, xạ trị là phương pháp được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp này được sử dụng để điều trị ung thư phổi trong trường hợp khối u to nhưng chưa lây lan đến những cơ quan khác. Xạ trị sử dụng các máy chiếu tia năng lượng cao (tia X, tia gamma, proton,…) giúp tiêu diệt tế bào ung thư, phá hủy khối u, làm khối u phát triển chậm hơn. Với bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn III, không được chỉ định phẫu thuật có thể điều trị hóa xạ trị đồng thời hoặc tuần tự để thu được hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.
Phương pháp xạ trị có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe bệnh nhân. Các biến chứng sớm xuất hiện sau một vài ngày là: chán ăn, buồn nôn, đỏ vùng da chiếu xạ, rụng tóc,… Một số biến chứng muộn sẽ xuất hiện sau đó là: đau rát, khô da, viêm da, xơ phổi…
Hóa trị
Đối với ung thư phổi giai đoạn muộn, khi tế bào ác tính đã di căn xa, hóa trị sẽ là lựa chọn không thể thiếu. Các loại thuốc hóa chất sẽ được truyền vào cơ thể nhằm tiêu diệt tế bào ung thư, kiểm soát sự lây lan và giảm nhỏ khối u. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có thể gây nhiều tác dụng phụ.
Điều trị đích
Đây là phương pháp mới, hiện đại hơn với việc sử dụng các loại thuốc đích trúng vào protein đặc hiệu của tế bào ung thư, nhằm tiêu diệt chúng một cách hiệu quả mà vẫn bảo toàn các tế bào khỏe mạnh khác. Đây là phương thức điều trị mang lại hi vọng mới cho nhiều bệnh nhân.
Lưu ý, các phương pháp trên thường được kết hợp đa mô thức để mang lại hiệu quả điều trị tối ưu. Lựa chọn liệu trình sẽ dựa trên đánh giá tổng thể của bác sĩ về thể trạng, tuổi tác, giai đoạn bệnh, mức độ lan rộng… của bệnh nhân. Quan trọng là người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị và có tinh thần lạc quan, kiên cường chiến đấu để sớm vượt qua “kẻ thù” khó chịu này.